Tâm tư Ngày Xuân năm nào…

Mùa xuân trên đất khách năm nào cũng qua mau…

Xuân nơi tha phương vội vã đến rồi vội vã ra đi. Những kẻ sống trên đất khách quê người phải luôn chạy theo bôn ba với cuộc sống…

Ngồi đón giao thừa trên đất người mà lòng lúc nào cũng ngóng về cố hương, nhớ những cánh đồng, những hàng dừa xanh, những luỹ tre dày san sát bờ sông. Tôi nhớ tới những người nghèo nơi thôn dã, những túp lều lụp xụp, những em bé tụ ba, tụ năm đánh bi đánh đáo.

Tôi thầm thì, “Quê hương mình nghèo quá.” Lòng chợt đau như cắt, nghĩ không biết bao giờ người dân mình mới được những ngày cơm no áo ấm! Ngồi nhìn hoa Mai nở với tách trà nóng trong tay, những hình ảnh của quê hương hiện lên trong trí như một giấc mơ, nhất là chuyến đi vừa qua về vùng Ðồng Tháp Mười và Năm Căn, Cà Mau, 2002.

Từ sáng sớm cuộc hành trình bắt đầu từ Sàigòn đánh xe về Sa Ðét, qua phà Cao Lãnh, sau đó trảy lên An Phong, Ðồng Tiến, Tân Quới để thăm những nạn nhân bị lũ lụt. Nước sông Cửu Long dâng lên quá cao so với các năm, các cánh đồng, nhà cửa chìm trong biển nước mênh mông.

Trục lộ chính chỉ còn một vài nơi ngoi lên trên mặt nước, và dân chúng trong các miền sâu tuôn ra cắm lều ở hai bên. Những túp lều sơ sài được dựng lên bằng những gì họ có thể kiếm được, vài ba tấm tôn, giấy, bao ni lông, vải cũ… Họ nấu nướng, ăn ngủ ngay bên lề đường. Thật là cảnh màn trời chiếu đất!

Chiều xuống dần… Chiếc phà nhỏ cố vượt qua dòng nước đỏ ngầu đang chảy xiết để đưa tôi qua bờ bên kia sông Tiền, dòng sông đã cuốn trôi đi bao người vô tội, đã làm cho vợ mất chồng, cha mất con. Tôi bàng hoàng nhớ những ngày xa xưa tràn đầy bom đạn, thù hận, và xác người trôi sông… những ngày đi vượt biên, những ngày ngồi tù đi tìm tự do…

Từ Ðồng Tháp về Cà Mau phải qua Long Xuyên, Cần Thơ, Sóc Trăng, và Bạc Liêu. Mỗi nơi có những sắc thái riêng, có những nỗi buồn riêng. Khi tôi đến Cà Mau thì trời vừa tối. Ðây là vùng có sông ngòi chằng chịt nên dân chúng dùng thuyền để đi lại như Sàigòn dùng xe hai bánh, các sinh hoạt thường ngày phần nhiều diễn ra ở trên mặt nước.

Hôm sau từ bến tàu Cà Mau tôi về Kinh 3, Huyện Ngọc Hiển để thăm các gia đình người cùi. Trên 60 cây số đường sông ấy chỉ toàn là những rặng dừa nước, những mái tranh nghèo. Người phong cùi sống rãi rác trong vùng hẻo lánh này. Họ ở trong những cái chòi lẹp xẹp ven theo các bờ kinh rạch, cách xa với thế giới bên ngoài.

Phương tiện giao thông của họ thì quá sơ sài, chỗ ở thì chật hẹp bẩn thỉu, nền nhà thì lúc nào cũng lẹp nhẹp ướt, chỗ lồi chỗ lõm, có khi là những vũng lầy, nước đọng. Nước sông thì lờ lợ, đục ngầu, nhiều phèn không uống được. Nước dùng sinh hoạt hằng ngày của họ thường là từ những ao, lu nước mưa. Tắm giặt, nấu ăn, nước uống đều lấy từ những ao nước đọng, đầy rong rêu.

Phần đông những người phong cùi nơi đây sống qua ngày nhờ đi làm mướn, hoặc hằng ngày họ phải trầm mình dưới nước bùn để bắt cá, bắt tôm. Vì phải mưu kế sinh nhai nên nhiều người có những vết thương không có cơ hội lành. Chân tay của họ ngày càng bị lở loét. Họ sống trong tình trạng mà chỉ có hai con đường chết để lựa chọn, đi làm thì chết bệnh, còn không đi làm thì chết đói. Chết bệnh thì chết một mình, chết đói thì cả nhà cùng chết.

Tôi làm gì đây để giúp họ? cho họ năm ba ổ bánh, vài ba con cá? Làm gì cho họ có được cơm no áo ấm? Làm sao để sự lựa chọn của họ không phải là một trong hai con đường chết nhưng là những con đường đi đến sự sống mới, vui tươi, no ấm-con đường đầy tương lai rạng rỡ và hy vọng? Tôi đi từng bước một. Tôi giúp từng người một. Bước đầu tiên là tôi cầu nguyện cho những anh chị em khốn khổ này. Tôi xin cho từng khuôn mặt hiện lên trong tâm. Tôi không thể giúp hết mọi người, nhưng tôi có thể giúp từng em nhỏ, cho em một cây bút chì, một quyển vở, một nụ cười, một niềm tin…

Lời nguyện Xuân năm nay, tôi xin cho những anh chị em nạn nhân phong cùi có nhiều cơ hội mới, được tự do và thoát khỏi cảnh lầm than, cơ bần. Tôi xin và tôi xin… Tôi xin cho họ một mái ấm, một bữa ăn ngon, một ly nước sạch, một cuộc đời được yêu thương, được mọi người chấp nhận.

Tôi xin cho những người giàu lòng hảo tâm, được mọi ơn lành hồn xác. Tôi xin cho quí ân nhân của Hội luôn được sức khỏe dồi dào, kiên trì trong đức mến và bình an trong tâm hồn.

Tôi xin cho tôi và cho tất cả mọi người luôn bước đi trong ánh sáng của Chúa Kitô, trong sự thật và tình yêu…

Lm. Huỳnh Tấn Viết